Vào tháng 9/2015, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường vừa có quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với thẩm mỹ viện Kangnam (Quang Trung, Hà Nội) do vi phạm về quảng cáo.
Theo đó, thẩm mỹ viện Kangnam đã quảng cáo trên website các dịch vụ nâng ngực, hút mỡ bụng, phẫu thuật hàm mặt, căng da mặt…, trong khi đây là các dịch vụ không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện. Đây cũng là các dịch vụ ngoài danh mục được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện Kangnam.
Theo giải thích của thẩm mỹ viện Kangnam, các dịch vụ này không thực hiện tại địa chỉ của thẩm mỹ viện Kangnam, mà thẩm mỹ viện thuê một bệnh viện khác để thực hiện các ca phẫu thuật, chỉ có “bác sĩ là của Kangnam”.
Tuy nhiên ông Cường cho biết dịch vụ không có trong danh mục hành nghề được cấp phép thì không được quảng cáo.
Cuối năm 2019, dư luật xôn xao về vụ việc một phụ nữ tên L. (ngụ TP HCM) tử vong sau ca phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (số 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TP HCM).
Theo nội dung vụ việc, sáng 11/10/2019, bà L. đến Thẩm mỹ viện Kangnam để thực hiện căng da mặt, kết quả khám sức khoẻ cho thấy bà đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật.
Chiều cùng ngày bà được thực hiện phẫu thuật căng da mặt, sau ca phẫu thuật tình trạng sức khoẻ vẫn ổn định. Nhưng đến 21h cùng ngày bà L. xuất hiện triệu chứng khó thở, mặt tím tái.
Thẩm mỹ viện Kangnam đã gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ và chuyển bà L. sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, đến tối 14/10 bệnh nhân tử vong.
Sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế TP HCM đã công bố kết luận về sự cố y khoa nghiêm trọng này.
Theo đó Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP HCM kết luận: “Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam: Nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân C.T.L sau phẫu thuật căng da mặt ngày 11/10/2019 là do sốc phản vệ (mức độ 3,4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật”.
Qua kết luận của Hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Ban Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam thực hiện các yêu cầu sau: Tổ chức họp để phân tích sai sót, rút kinh nghiệm toàn bệnh viện để tránh lập lại sự cố tương tự; Củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh, quy chế hồ sơ bệnh án của nhân viên y tế, đặc biệt là công tác gây mê hồi sức; Xây dựng lại chức năng nhiệm vụ của từng vị trí hành nghề trong bệnh viện (bác sĩ trực, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại khoa, điều dưỡng phòng mổ); Thực hiện báo động đỏ liên viện đến bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ kịp thời khi có tình huống người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2020, nữ Việt kiều tên L.Đ. đã đệ đơn khởi kiện Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đòi bồi thường 20 tỷ đồng vì bà bị liệt dây thần kinh số 7 sau khi phẫu thuật căng da mặt và cắt mí tại đây.
Sáng 23/4/2016, bà Đ. đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam và được đưa đi làm các xét nghiệm trước phuật thuật. Bà Đ. được xác định đủ sức khoẻ để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Đầu giờ chiều cùng ngày, bà Đ. được đưa vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ căng da mặt, da trán cho bà là bác sĩ tên G., còn người cắt mí là bác sĩ tên L..Sau ca phẫu thuật mặt bà bị sưng nặng và mí mắt bị lệch.
Bà Đ. sau đó đã được nhân viên của Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đưa tới khám tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú). Tại đây bà được kết luận bị tổn thương dây thần kinh số 7 (dây thần kinh có chức năng điều khiển vận động cơ mặt). Cũng theo bà Đ., bệnh viện tại Châu Âu đã chứng nhận bà bị mất 50% sức khoẻ do thương tật.
Tháng 9/2017, bà Đ. quay về Việt Nam để yêu cầu Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam giải quyết vụ việc của mình. Sau khi được Kangnam hỗ trợ tổng số tiền khoảng gần 1 tỷ đồng, bà Đ. lại tiếp tục bay sang Châu Âu để điều trị. Bà Đ. cho biết, chi phí bà chữa trị ở nước ngoài sau khi bị Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam phẫu thuật hỏng đã lên đến khoảng gần 20 tỷ đồng.
Nguồn: Báo tuổi trẻ online